Kinh nghiệm trồng chuối Laba cho năng suất cao

Trong nhiều năm trở lại đây, chuối Laba được coi là mặt hàng đặc sản của Đà Lạt - Lâm Đồng được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Chuối có độ dẻo, mùi thơm và có vị ngọt đặc trưng.
Công ty TNHH Chuối Laba Dalat là công ty đầu tiên ở Việt Nam đã sản xuất và xuất khẩu Chuối Laba sang các thị trường cao cấp khó tính nhứ Úc, Nhật Bản theo công nghệ tiên tiến được chuyển giao từ Nhật Bản.
Chúng tôi cung cấp quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc chuối  Laba để bà con tham khảo:
 
         1. Đất trồng chuối:

Chuối Laba trồng được trên nhiều chân đất khác nhau, từ đất đỏ bazan, đất xám, đất phù sa ven sông suối… nhưng tốt nhất là đất phải tơi xốp, nhiều mùn, giữ nước tốt, nhất là đất phù sa, đất đỏ bazan, đất bùn ao phơi ải…đất có độ pH từ 4.5 -8, thích hợp nhất là pH  6 – 7.5.

Chuối Laba chịu úng và chịu hạn kém, do đó đất trồng phải có độ cao so với mực nước ngầm tối thiểu 0,6m, thoát nước tốt, nhưng độ ẩm vườn chuối luôn phải đạt 70 – 80% mới có năng suất cao.

Chuẩn bị đất: Dọn sạch đất, vệ sinh xung quanh sau đó đào hố trồng, đào hố kích thước 50cm x 50cm x 50cm hoặc 70cm x 70cm x 50 cm sau đó lấy lớp đất mặt trộn với 10 - 15 kg phân chuồng hoai + 450g Lân + 300g vôi. Trước khi trồng 5- 7 ngày bón lót phân hữu cơ vi sinh + thuốc trừ sâu Mocap hoặc Basudine hạt để trừ sâu, sau đó trộn đều đất trước khi trồng.

        2. Chuẩn bị cây giống: 

Cây giống nên trồng là loại giống cấy mô, Cây giống chuối Laba cấy mô có ưu điểm là sinh trưởng mạnh, độ đồng đều cao và sạch bệnh, cho thu hoạch đồng loạt thuận tiện cho việc canh tác bài bản để xuất khẩu.

Chọn cây giống trồng đạt chiều cao 20cm trở lên và có từ 4-6 lá. Giống chuối là yếu tố quan trọng, nếu không chọn đúng giống sẽ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng quả chuối khi bán.

  1. Khoảng cách trồng:

Thông thường bà con nông dân hay trồng khoảng cách 3m x 3m, 2,5m x 3m hoặc 3m x 4m, trồng theo các phương pháp này có nhiều nhược điểm như năng suất không cao chỉ khoảng 30 – 40 tấn/ha vì mỗi ha chỉ trồng được trên 1.000 cây, tốn nhiều công làm cỏ và không giữa được độ ẩm cho vườn vì trồng thưa vườn nhiều ánh sáng cỏ dại sẽ mọc nhiều và khi tưới nước sẽ bốc hơi nhanh.

 

(Hình trên Vườn chuối trồng theo khoảng cách 3mx3m)

  Phương pháp trồng tốt nhất hiện nay là trồng hàng đôi theo công nghệ Nhật Bản.

 Cách trồng hàng đôi: Hàng cách hàng 1,5m, cây cách cây 1.5m, trồng sole, tiếp theo là lối đi 3m sau đó lại tới hàng đôi kế tiếp. Kích thước hố trồng 50cm x 50cm x 50cm.

Dùng 10 - 15 kg phân chuồng hoai mục + 350g Lân + 300g vôi bón vào hố sau đó trộn đều với lớp đất mặt. Trước khi trồng 5- 7 ngày bón lót phân hữu cơ vi sinh + thuốc trừ sâu Mokap hoặc Basudine hạt để trừ sâu, sau đó trộn đều đất trước khi trồng.

   Những ưu điểm của cách trồng này là:

  • Năng suất rất cao có thể đạt từ 70 – 100 tấn/ha (1ha trồng khoảng 2500 - 2800 cây)
  • Vườn Chuối luôn mát mẻ giúp trái không bị rám nắng, giữ độ ẩm tốt cho đất và hạn chế cỏ dại mọc trong vườn.
  • Lưu ý: Trồng theo phương pháp này cần phải có nguồn nước dồi dào quanh năm, có hệ thống béc tưới tự động và phải xịt thuốc BVTV theo định kỳ hàng tháng một lần.

Khi trồng chuối nên trồng theo hướng Đông – Tây để tận dụng tốt ánh sáng mặt trời.

 

(Hình trên Vườn chuối trồng theo công nghệ Nhật Bản, hàng đôi 1,5mx1,5m x 3m)

 

  1. Thời vụ trồng:

Chuối trồng được quanh năm, tốt nhất nên trồng khi đất đủ ẩm hoặc vào đầu mùa mưa, cây sinh trưởng tốt cho tỉ lệ sống cao hoặc xác định thời điểm trổ buồng, thu hoạch mà chọn thời gian trồng thích hợp với điều kiện chủ động được nước tưới.

  1. Cách trồng:

Dùng cuốc xới lại hố đào sau đó xé túi bầu đặt bầu đất chuối cấy mô xuống hố trồng, sau đó lấp đất lại và nén chặt xung quanh gốc chuối (không nên nén quá chặt sẽ làm dập con chuối). Nếu trời nắng quá có thể che tủ cây con trong tuần lễ đầu.

  1. Chăm sóc, tưới nước:

- Tưới nước: Ở giai đoạn cây con tùy thời tiết, thời vụ trồng mà điều chỉnh lượng nước tưới phù hợp. Cây chuối con mới trồng ngày tưới một lần, cây trưởng thành tưới 3 lần/tuần hoặc luôn duy trì độ ẩm đất từ 70 – 80%. Nên trồng cây chắn gió quanh vườn để hạn chế rách lá làm giảm năng suất chuối.

Khi cây chuối trổ buồng rất cần nước nên cần chú ý tưới nước và bón phân đầy đủ để quả chuối phát triển tốt. Vào mùa mưa (từ tháng 5-11 dương lịch) chú ý thoát nước tốt cho vườn chuối ở những chân đất thấp để hạn chế ngập úng.

  1. Phân bón:

Yêu cầu về dinh dưỡng của cây chuối lớn, đòi hỏi lượng phân bón nhiều mới cho sản lượng cao. Đất phải có nhiều hữu cơ, hàm lượng mùn trong đất cao.

Theo như công ty chúng tôi trồng thực tế trên đồng ruộng cho thấy, để chuối sinh trưởng và phát triển đạt năng suất cao trong một năm, cần lượng phân bón như sau (g/cây đối với phân đơn chất).

N (Đạm)

P2O5  (Lân)

K2O (Kali)

CaO (Vôi)

MgO (Magiê)

500

700

900

300

100

  1. Phương pháp bón phân:

+ Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, một nửa lượng phân lân, toàn bộ vôi… trước khi trồng, ở những vụ kế thì bón sau khi thu hoạch.

+ Bón thúc: Trong một năm thông thường chia làm 7 lần, bón vào hố trồng hoặc rải quanh bán kính gốc 30 – 50 cm sau đó tưới đẫm liên tục 3 ngày cho phân thấm sâu vào đất:

- Lần 1: Sau trồng 7 - 10 ngày bón mồi 10% lượng Urê

- Lần 2: Sau trồng 1 tháng bón 10% lượng Urê, 10% lượng Kali (K2O)

- Lần 3: Sau trồng 2 – 3 tháng bón 20% lượng Urê, 15% lượng Kali (K2O)

- Lần 4: Sau trồng 4 – 5 tháng bón 20% lượng Urê, 15% lượng Kali (K2O), 25% Lân

- Lần 5: Sau trồng 6 - 7 tháng bón 20% lượng Urê, 20% lượng Kali (K2O), 25% Lân

- Lần 6: Sau trồng 8 – 9 tháng bón 10 % lượng Urê, 20% lượng Kali (K2O)

- Lần 7: Sau trồng 10 tháng bón 10 % lượng Urê, 20% lượng Kali (K2O)

Nếu dùng phân NPK tổng hợp nên dùng loại có hàm lượng Kali cao và bón cân đối theo số lần và tỉ lệ trên.

Tuỳ vào độ màu mỡ của đất, khả năng cho sản lượng của cây mà có lượng phân bón thích hợp cho từng gốc, ngoài ra còn căn cứ vào các triệu chứng thiếu phân biểu hiện trên cây, lá mà cung cấp lượng phân thích hợp, có thể tăng hoặc giảm bớt.

Để thâm canh tốt cho các vụ sau cần bón thêm càng nhiều phân chuồng, phân hữu cơ càng tốt. Một số nơi nông dân tận dụng vỏ cà phê tươi sau khi ủ hoai làm phân hữu cơ bỏ vào vườn trồng chuối rất hiệu quả và giữ ẩm rất tốt.

  1. Tỉa chồi:

Tỉa chồi phải được tiến hành thường xuyên, dùng dao cắt ngang thân sát mặt đất và khoét bỏ đỉnh sinh trưởng, hoặc tạo lỗ nhỏ trên vết cắt sau đó nhỏ vào 7cc dầu hỏa. Nên tiến hành tỉa vào lúc trời nắng ráo, tránh để đọng nước xung quanh làm chồi con bị thối lây sang cây mẹ.

  1. Lựa chọn chồi cho vụ sau

Sau khi trồng 6 tháng có thể tiến hành để chồi cho vụ sau, nên chọn những chồi con mập khỏe đều nhau cao dưới 1m, mọc cách xa cây mẹ 20cm và cùng hàng với cây mẹ, mỗi bụi chuối chỉ nên để 3 cây và có thời gian sinh trưởng cách nhau từ 3-4 tháng.

  1. Cắt tỉa lá

Những lá già và lá bị bệnh sẽ bị chết và treo trên cây. Đây là nơi cư trú của nhiều loài sâu bệnh hại. Cần cắt bỏ những lá này bằng dao sắc, thường là cùng lúc với đánh tỉa chồi. Như vậy sẽ làm giảm các bệnh về đốm lá và sâu bệnh khác. Đồng thời làm tăng khả năng sinh trưởng của chồi bên.

Cắt bỏ tất cả những lá bị treo trên cây và cả những lá chỉ còn dưới 50% diện tích lá khỏe mạnh và đặt giữa các hàng chuối. Nếu diện tích lá khỏe mạnh còn trên 50% thì không nên cắt bỏ mà chỉ cần làm vệ sinh. 

  1. Ngắt hoa đực

Hoa đực hay còn gọi là bắp chuối, thường được cắt bỏ ở vị trí khoảng 10 cm dưới nải quả cuối cùng và đồng thời với bao buồng quả. Ngắt bỏ hoa đực có xu hướng làm tăng kích thước của những nải phía dưới và khối lượng buồng quả. 

Có thể bẻ hoa đực bằng tay nhưng tốt nhất là dùng dao sắc. Tại thời điểm này, kết hợp tỉa bỏ những quả hay thậm chí là những nải quả không thoả mãn yêu cầu của thị trường tiêu thụ.

Việc tỉa bỏ như vậy sẽ làm tăng chiều dài của những quả còn lại và rút ngắn thời gian từ trổ buồng đến thu hoạch. 

  1. Bao buồng quả

Buồng quả chuối thường được bao bởi túi nilon. Loại túi bao buồng này có công dụng giữ cho quả bóng đẹp, khỏi bị sâu bệnh gây hại và thúc đẩy quả phát triển, nhất là trong điều kiện lạnh. Bao buồng quả thường làm tăng kích thước quả và rút ngắn thời gian từ ra buồng đến thu hoạch.

Buồng quả cần được bao sớm ngay sau khi quả bắt đầu cong lên. Buộc chặt túi ở phía trên và mở ở phía dưới, trông giống như là một cái ống tay áo. Loại túi bao phổ biến nhất hiện nay màu xanh, có đục lỗ hoặc tận dụng các vỏ bao dứa cũ. 

Bao buồng quả sẽ làm tăng giá trị thương phẩm và bắt buộc đối với chuối trồng xuất khẩu.

    

  1. Chống đổ cây:

         Để hạn chế đổ khi cây có quả, dùng 2 cọc buộc chéo vào nhau theo hình chữ X đỡ lấy cổ buồng chuối, 2 chân cọc và thân giả đứng thành 3 chân kiềng.

        Dùng dây ni lông một đầu buộc phía trên thân giả sát cổ buồng chuối đầu kia chằng chặt vào gốc cây chuối bên cạnh hoặc ngang thân cây bên cạnh để giữ cho cây chuối đứng thẳng, hạn chế ảnh hưỏng gió bão làm đổ cây.

 Sâu bệnh hại chính

* Sâu đục thân (Cosmopolites sordidus)

- Triệu chứng : Sâu non thường sống trong thân giả, là pha gây hại chính. Từ chỗ đục tiết ra chất nhày màu vàng đục. Bị hại nặng, thân giả thối và lá chuyển vàng. Cây có buồng gãy gục ngang thân.

- Sinh trưởng phát triển : Trưởng thành để trứng mỗi năm một lứa vào tháng 3,4. Sâu non sống tới 9 tháng/năm

  

(Hình trên thành trùng và ấu trùng sâu đục thân)

* Sâu gặm vẽ bùa ( Basilepta sp)

- Triệu chứng : Trưởng thành gây hại là chính. Vỏ quả bị hại có vết sần sùi 1-2 cm, đôi khi liên kết với nhau thành từng đám làm xấu mã quả.

- Sinh trưởng phát triển : Có nhiều lứa gối nhau trong năm. Trưởng thành xuất hiện từ đầu tháng 3 ở xung quanh gốc cây và bắt đầu gây hại từ cuối tháng 3. Từ tháng 12, mật độ và mức độ gây hại giảm.

* Bệnh đốm lá: Sigatoka vàng (Mycosphaerella musicola) và Sigatoka đen (Mycosphaerella fijiensis).

- Triệu chứng: Bệnh gây hại trên lá tạo ra những hình bầu dục có màu nâu với viền vàng rất rõ (Sigatoka vàng) và những đốm bệnh có màu sậm hơn và xuất hiện ở mặt dưới của lá (Sigatoka đen).

- Bệnh thường xuất hiện bắt đầu trên những lá già và lan dần lên các lá ngọn. Vết bệnh lúc đầu là các đốm nhỏ 1 - 10 mm, rộng 0,5 - 1 mm màu vàng lợt hay nâu. Các đốm thường xếp dọc theo các gân phụ của phiến lá, các vết đốm phát triển thành hình thoi nhỏ, màu nâu đen với vầng vàng xung quanh. Nhiều vết đen liên kết tạo thành những mảng khô lớn. Cây bị bệnh nặng thường khô hết toàn bộ lá và lây sang trái làm trái nám đen, trái chuối sẽ bị lép, ăn có vị nhạt chua, thịt nhão và làm ảnh hưởng lớn tới năng suất. Trong mùa mưa nấm bệnh lan theo nước chảy trên lá, làm các vết bệnh xếp thành hàng, vào mùa khô các đốm bệnh phát triển ở chóp lá, làm cháy mép hay ngọn lá.

 

* Bệnh chùn đọt BBTV (Banana Bunchy Top Virus)

- Triệu chứng : Lá ngắn, lá sau thường ngắn hơn lá trước. Cuống lá xếp sít nhau. Cây con lụi dần. Cây lớn không trỗ buồng hoặc trỗ buồng ngang thân giả.

- Phát sinh phát triển : Môi giới truyền bệnh là rệp, thường xuất hiện nhiều trong vụ xuân hè (tháng 4-6), trùng với thời kỳ cây chuối sinh trưởng mạnh.

- Phòng trừ :

+ Trồng cây chuối nuôi cấy mô

+ Phun thuốc Trebon trừ rệp

+ Đánh bỏ và tiêu hủy cây bệnh

 * Cách phòng trừ:

Dùng luân phiên các loại thuốc trị nấm lá như: Mancozeb, Daconil, Ridomil...(trị bệnh đốm lá, cháy lá do nấm Sigatoka).

Dùng luân phiên các loại thuốc trừ sâu như, Trebon, Actara, Confidor hoặc Antafos... (trị sâu vẽ bùa, rệp truyền bệnh chùn đọt và thành trùng sâu đục thân).

Pha chung thuốc trừ sâu và thuốc trị nấm, phun định kỳ tháng/lần hoặc khi thấy bệnh hại.

                                                                                                                                                                      Lê Sỹ Công Laba Dalat Corporation

Các tin khác

Sản phẩm